2. Application round

   Tiếp về quá trình tuyển chọn. Bởi vì do dự rất lâu như thế, nên mình đã mất một trong bốn tuần để apply, nghĩa là chỉ còn ba tuần để chuẩn bị tất cả mọi thứ.

   Năm nay mở đơn sớm hơn, và cũng lâu hơn (bắt đầu mở đơn vào 15/8 đến 30/9), bởi Việt Nam là một trong những nước thử nghiệm tiến trình này, và nếu thành công thì sẽ áp dụng toàn thế giới, thành một format chung. Nhưng điều mình nghĩ mọi người nên nhớ, đó là thậm chí, chỉ một tuần cũng đủ, nếu mình tha thiết mong muốn nó mà biết tới nó muộn hơn so với mọi người.

   Tiếp đến, về tiêu chí, thì đừng bó mình vào trong một tiêu chí nào cả, đó là lời khuyên duy nhất. Hãy thoải mái, hãy tự do là chính mình, đừng ghét bỏ một mặt nào của bản thân bởi vì nó không tốt, hay thậm chí bởi vì nó sẽ gây mất điểm đi chăng nữa mà che giấu nó đi. Bởi chúng ta khó có thể che giấu chính ta được. Nếu tất cả mọi người đều theo một khuôn mẫu, học hành giỏi giang, hoạt động ngoại khóa xuất sắc, giao tiếp tuyệt đỉnh thì còn gì là thú vị nữa?

   Đừng vì bản thân học không giỏi mà chùn bước. Nghe mấy bạn scholar cùng năm với mình bảo, chỉ mong điểm Hóa qua 6.5 để được Học sinh Giỏi, hoặc là từ đầu năm tới giờ chưa thấy điểm Toán nào trên 5 cả (ờ cái này nghe hơi hư cấu), hoặc là bị Học sinh Tiên tiến vì môn chuyên 6.9…

   Đừng vì bản thân không hoạt động nhiều mà nhụt chí. Thậm chí chỉ cần tham gia các hoạt động ở trường, và cho thấy rằng mình có đóng góp tích cực, rồi mình mong muốn được làm nhiều hơn nữa, thế là đáng để thử rồi.

   Đừng vì bản thân kém tiếng Anh, ngại giao tiếp mà bỏ lỡ. Thật ra, mình là một người cực kỳ cực kỳ hướng nội, hầu như không bao giờ chịu bắt chuyện với người lạ, chưa bao giờ nói ra những suy nghĩ kiểu yếu đuối lo lắng của chính mình, rất sợ làm phiền người khác (một phần tính này dẫn đến sự tự tin thái quá vào bản thân). Đấy, nhưng mình vẫn thử.

   Hôm nay mình mới nghe chị Linh Đào ví như thế này, những người làm công tác tuyển chọn thí sinh, cũng giống như những người nông dân chọn hạt giống cây trồng vậy. Ta không nhìn đến dáng vẻ hiện tại của hạt giống đó to như thế nào, màu sắc ra sao, mà quan trọng là triển vọng, là tiềm năng, là chất lượng của cái cây mà nó sẽ phát triển thành sau này.

   Vậy nên, điều quan trọng nhất là cho thấy tiềm năng của chính mình, với cả ưu điểm và khuyết điểm của hiện tại. UWC nhắm tới sự đa dạng, cả về văn hóa lẫn tâm hồn.

   Đi sâu vào đơn đăng ký, mình chỉ nói một phần nào đó hồi ấy, mình đã làm những gì, vậy thôi. Những thứ mình không muốn nêu, kiểu như chi tiết bài luận thì đừng hỏi, bởi vì hiện giờ mình vẫn chưa muốn, và thấy chưa nên công khai những điều đó.

   Đơn năm nay tương đối khác với đơn năm ngoái. Những thay đổi mình đã in đậm ở đầu mỗi phần.

   Xem đơn ở đây: 2016 Intake


I. SƠ YẾU LÝ LỊCH VỀ BẢN THÂN, GIA ĐÌNH, TÌNH HÌNH TÀI CHÍNH:

   Đơn năm nay không yêu cầu kê khai tài chính. Nên không có gì cần chú ý ở đây cả.

   [Chỉ có một note be bé là việc nói thật về tình hình tài chính của gia đình là vô cùng quan trọng, bởi đơn giản là khai gian cực kỳ khó ấy, thử làm gì. Tìm hiểu về hoàn cảnh gia đình của một người thì có gì là cao siêu, nhất là khi mình phải kê khai tài sản với cả bên College và Đại sứ quán nếu được nhận học bổng nữa.]


II. CHỌN THỨ TỰ ƯU TIÊN TRONG SỐ CÁC TRƯỜNG CHO HỌC BỔNG:

   Đơn năm nay không yêu cầu chọn thứ tự ưu tiên. Tuy nhiên, nên cân nhắc trước  một vài trường mình yêu thích nhất vì kiểu gì đi phỏng vấn cũng bị hỏi.

   [Năm nay, 2016, có tất cả 12 scholarships đến từ 10 Colleges, một con số phải nói là cao chưa từng thấy, và lúc mình viết bài này thì nghe đâu đó 7-8 học bổng toàn phần, cũng nhiều quá đáng luôn, ghen tị dã man với các em năm nay. Phải cảm ơn National Committee của Việt Nam rất nhiều, vì tất cả đều đến từ sự cố gắng và công sức của các anh chị ấy.

   Nếu format giống như năm của mình, thì trong 10 trường đó, mình cần đánh số thứ tự ưu tiên cho các trường, kiểu như mình muốn vào cái nào nhất thì đánh số 1 và cứ thế đến hết ấy. Thứ tự ưu tiên này có thể dựa vào thế mạnh mà mình cảm thấy từng trường có (ở phần 1 mình đã viết sơ qua), học bổng mà trường thường cho hàng năm là toàn phần, bán phần hay tự túc, hoặc sự yêu thích đối với đất nước có ngôi trường ấy.

   Mình chọn Pearson làm nguyện vọng 1 (mình thấy cũng nhiều bạn chọn Pearson lắm, ví như bạn scholar của Singapore năm nay), một phần bởi vì thế mạnh của trường có Môi trường, nhưng thực ra nếu vì lý đó thì nên chọn Robert Bosch bên Đức mới phải, Sustainable Technology cực kỳ hợp với thứ mà mình theo đuổi trong tương lai. Lý do lớn nhất khiến mình chọn Pearson chứ không phải đâu đó khác, ấy là vì mình cực kỳ cực kỳ thích Canada. Đây là đất nước mà bố mình luôn muốn đến, và mình rất muốn thực hiện mong ước mà bố sẽ không bao giờ có cơ hội thực hiện nữa.

   NC sẽ căn cứ vào nguyện vọng này của mình, và khả năng tài chính của gia đình mình, và thậm chí cả sự phù hợp nữa, nếu nhiều bạn cùng có mức tài chính tương đương cùng thích một trường chẳng hạn, để quyết định xem mình sẽ học tại trường nào.]


III. THÀNH TÍCH HỌC TẬP, HOẠT ĐỘNG NGOẠI KHÓA, SỞ THÍCH,…

   Thường thì mỗi câu hỏi đều giới hạn một khoảng trống khá nhỏ, nên mình phải biết cân đối xem nên chọn cái gì để viết vào, và viết chừng bao nhiêu là đủ.

   Có thể viết tràn lề, hoặc nếu cuối trang thì kẻ thêm một dòng nữa, hoặc bần cùng bất đắc dĩ lắm thì kẹp thêm tối đa một tờ khác, có ghi chú đầy đủ rõ ràng, khi nộp, khi cho vào chung một file pdf thì phải để trang đó ngay đằng sau trang này. Nhưng nói chung là nên tránh, tiết kiệm và rút gọn hết mức có thể, đi thẳng vào vấn đề luôn ấy, bởi vì thường sẽ có một cụm từ là “In Space Provided Below“.

   Thường thì bao giờ cũng có một câu là “Is there anything you want us to know more about you?”, câu đấy đừng dại gì mà bảo là “Không”, bao giờ cũng vậy, kể cả lúc phỏng vấn. Hãy nghĩ xem bản thân thực sự muốn nói điều gì mà chưa thể hiện được một chút nào ở những phần trên.


IV. CÁC BÀI LUẬN:

   Mình nghĩ rằng, không nên đọc trước một bài luận mẫu nào đó để rồi phát triển theo y như cái cách mà bài đó đã làm. Thực sự không nên. Viết luận không phải làm văn nghị luận văn học, không phải cứ nêu trích dẫn nêu luận điểm luận cứ rõ ràng chặt chẽ là được, luận mang nhiều tính cá nhân hơn, kiểu phong cách của mỗi người ấy (Nói thế chứ thật ra phong cách nghị luận văn học của mình cũng có đấy, là dẫn chứng phong phú và dùng phương pháp diễn dịch, hoặc thi thoảng dùng phương pháp lập luận Socrates :))).

   Năm mình có hai bài luận, bài thứ nhất là: “Why you deserve to study at United World College, describing both what you might contribute to the College and what you would hope to gain from your experience there”, và bài thứ hai là: “Please write in an essay of less than 300 words a letter to yourself in 20 years”.

   Bài thứ nhất gần như tương đương năm ngoái. Bài thứ hai có thay đổi một chút.

   [Hình như đề đã được giữ trong ít nhất là sáu năm nay rồi, có chăng chỉ thay đổi cách diễn đạt chẳng hạn, nên mình nghĩ năm nay cũng sẽ đại loại vậy.]

   Việc đầu tiên mà mình làm, đó là tìm hiểu về UWC. Mất hai ngày cho việc này, chỉ ngồi research, đọc tất cả các websites, các trang wiki, các bài báo, tí nữa thì bị bão hòa thông tin luôn, đến khi mình tin rằng mình đã nắm được phần nào “UWC movement”. Điều thứ hai, đó là tìm hiểu bản thân mình, ngồi ngẫm xem mình thực sự muốn viết điều gì về mình, thực sự muốn cho họ thấy gì, và muốn phát triển mình đến đâu. Đến trưa ngày thứ ba, mình hoàn thành bản nháp bằng tiếng Việt. Và những ý chính của bản nháp này gần như không bị thay đổi gì, cho đến tận khi mình hoàn thành bản đăng ký.

   Nói một chút về bài luận đầu tiên, thì mình nghĩ rằng, bài luận cần phải nói được mình đang thiếu thứ gì, và tại sao mình lại không có điều đó. UWC sẽ có thể giúp mình phát triển được đến đâu. Hoặc mình khao khát gì, mình đã cố gắng đến thế nào để đạt được những điều đó, nhưng vẫn còn bị bó buộc phần nào trong hoàn cảnh hiện tại, và UWC sẽ là nơi có thể giải phóng bản thân mình đến mức độ nào. Còn về khát khao đóng góp, trước đây mình nghĩ rằng, hãy ước mơ một cái gì đó thực tế, vừa tầm, có nghĩa là mình tương đối chắc rằng mình có thể làm được. Nhưng giờ nghĩ lại, thì ta nên nghĩ lớn. Hãy ước mơ lớn. Hãy để bản thân ta tự vươn xa hết khả năng ta có thể. Không ai lại đi đánh giá ước mơ.

   Còn bài luận thứ hai, thì đơn giản là nên chân thật. Khi mình viết bài luận này năm trước, mình nói đến những nỗi lo của hiện tại, nhưng cũng nói đến những niềm vui, và đam mê của mình, và rồi hy vọng rằng mình-của-mười-năm-sau đừng quên đi những điều đó. Ví dụ thôi nhé, đừng dùng luôn format này :”)

   Bài luận thứ hai của năm nay là “Please describe how your day goes on April 29, 2025“. Nó không giống bài năm ngoái cho lắm, thứ nhất là khác ở cách viết, viết thư đương nhiên sẽ khác với viết văn tự sự, và thứ hai là cái này yêu cầu một thứ gì đó đặc biệt hơn. Có nghĩa là, thường thì ngày 29/4/2025 sẽ là một ngày nào đó đặc biệt của mình, mười năm sau. Hoặc nếu nó chỉ đơn giản là một ngày bình thường, hãy làm thế nào mà toát lên được vẻ đẹp của sự bình thường đó.

   Đúng là bài luận luôn thể hiện rõ con người mình nhất. Hãy để chính bản ngã sâu bên trong chúng ta được lên tiếng.


V. THƯ GIỚI THIỆU:

   Nên xin từ những người quen thuộc với mình, và hiểu rõ về mình. Hãy quyết định và đánh tiếng với họ ngay từ lúc mình bắt đầu làm đơn, bởi thường thì mọi người đều rất bận, và phải sắp xếp lịch từ rất lâu thì mới dành ra được một chút khoảng trống để giúp đỡ mình. Thêm một điều nữa, đó là cũng nên hướng cho họ rằng nên viết về khía cạnh nào của bản thân mình, với những ai chưa quen viết LOR.

   Như mình đã nói từ trước, thư của người phụ trách hoạt động ngoại khóa là anh Lê Trung Hiếu viết cho mình, anh ấy là một trong những người dẫn dắt và định hướng mình từ những ngày mình chưa biết gì cả. Còn thư từ thầy cô giáo, mình chọn cô dạy Văn năm lớp 9, hiệu phó trường cấp II và người dạy đội tuyển văn mình từ lúc thi trường đến tận khi thi thành phố. Bác ấy (mình thường gọi là bác) quen mình từ khi mình mới sinh, nên hiểu rất rõ về mình. Cũng là một lợi thế.


VI. BẢNG ĐIỂM + NHẬN XÉT TỪ ĐẠI DIỆN TRƯỜNG:

   Năm nay chỉ yêu cầu bảng điểm, học sinh tự điền. Không cần nhận xét từ đại diện trường, không có mục A B C D gì hết, không cần dấu đỏ từ nhà trường. Nên những phần dưới đây thật ra không cần đọc.

   [Bảng điểm thì tất nhiên là cần rồi, và bắt buộc phải có dấu từ phía nhà trường, bản photo học bạ cũng được, tuy vậy, đừng quan trọng điểm số quá. Còn nhận xét từ đại diện trường, thì có phần đánh giá các kỹ năng (ví dụ như Sự ham học hỏi, Sự cố gắng, Khả năng làm việc độc lập, Tính tổ chức, Sức sáng tạo,… Khả năng học tập và Thành tích học tập cũng là một yếu tố) theo A B C D (từ “Top 10% tôi từng dạy”, “Top 10% của khóa này”, “Tốt”, và “Chưa đánh giá được” – cái này lúc mình làm thì hầu hết là A, và có một cái D, cũng hơi tự sướng thật), và một phần nhận xét ngắn gọn. Nhưng lại phải nhấn mạnh một lần nữa, dẫu có là C hết thì cũng đừng lo, bởi chẳng ai đánh giá toàn bộ bản thân mình qua nhận xét của một người thứ ba cả.

   Giáo viên chủ nhiệm không được tính là đại diện trường, mà phải là một người nào đó có chức danh đáng tin cậy về độ khách quan hơn, có thể hiểu là thế, từ hiệu trưởng hiệu phó tới tổ trưởng chuyên môn, hoặc thầy cô bí thư Đoàn trường,… và tốt nhất là một người đã từng làm việc qua với bản thân mình. Ví dụ như đại diện trường mình chọn là từ thầy giáo dạy Toán năm lớp 10 của mình, tổ trưởng tổ Toán-Tin, đến cuối năm thầy lên Hiệu phó rồi làm Phó trưởng phòng Giáo dục Phổ thông của Sở Giáo dục Đào tạo Hải Phòng. Thầy cũng quý mình, thế là còn viết thêm cả một thư riêng (enclosed letter, một loại LOR nữa – nhớ rõ là cái này chỉ là phát sinh thôi nhé, không phải bắt buộc nên đừng có lo) đính kèm cho mình nữa. Dạo đấy thầy còn bận chấm thi Giáo viên Giỏi cấp Thành phố, nên thấy cảm động dã man.]


VII. MỘT VÀI VẤN ĐỀ KHÁC:

   Đơn phải viết hoàn toàn bằng tiếng Anh những phần do thí sinh điền. Năm nay có thể đánh máy hoặc viết tay. Mình thích viết tay, chắc là vì chữ đẹp, và nó thể hiện rõ sự nghiêm túc và đầu tư của mình hơn. Khi viết tay thì ít nhất cũng cần dễ đọc. Phần do thí sinh viết thì viết bằng mực đen, do người khác viết thì mực đen hay xanh đều được. Nếu đánh máy thì tốt nhất là tải về, chuyển về file word, đừng đổi format hay font hay cỡ chữ hay bất kỳ cái gì, số dòng đừng vượt quá số dòng trong đơn mẫu, sau đó in ra, ký tên, và scan lại. Trước đó cần có ID của mình bằng cách đăng ký qua hệ thống, cho tiện việc kiểm soát. Sau đó scan, gộp tất cả vào một file pdf (từ thư giới thiệu, bảng điểm các loại), để tránh nhầm lẫn, rồi gửi qua email. Tên email nên nghiêm túc…

   Đừng đính kèm thêm bất kỳ thứ gì không được yêu cầu, từ certificates, bằng chứng nhận giải thưởng, IELTS, SAT,… Nó làm cồng kềnh bộ hồ sơ, và khi xét duyệt thì cũng không được nhìn qua lần nào.

   Tuyệt đối không viết vượt quá số chữ với những bài có giới hạn. Năm nay không phần nào có giới hạn số chữ. Vậy nên cũng đừng viết tràn khung cho trước.

   Nếu có vấn đề gì thì có thể inbox Fanpage, hoặc đợi đợt Tư vấn trực tuyến, mình nghĩ là năm nay kiểu gì cũng có, để hỏi. Nhưng đừng hỏi những gì đã được ghi rõ trong đơn đăng ký hoặc hướng dẫn dự thi, rất phiền, và rất có thể bị mất điểm nữa.

   Cuối cùng, là về việc xin hướng dẫn và giúp đỡ từ người khác.

   Nếu không có bất kỳ sự giúp đỡ khả dĩ nào, đừng lo lắng. Hãy viết những gì mình nghĩ, các thầy cô trong Hội đồng tuyển sinh sẽ hiểu. Hãy làm tốt nhất trong khả năng của mình, bởi sự cố gắng là thứ có thể nhìn ra. Hãy tự tin, và hãy tự hào về chính mình.

   Còn nếu được ai đó giúp, hãy vui và biết ơn vì điều đó. Đừng lạm dụng. Đừng hỏi tất cả những câu hỏi xuất hiện trong đầu mình, không ai đủ rảnh để trả lời hết. Hãy tự tìm hiểu. Hãy làm hết sức mình có thể trước đã.

   Một mặt khác, có thể nhiều người cho rằng, nên tự lực cánh sinh, tự nghĩ hoàn toàn, thế mới thể hiện được chính xác nhất tầm của mình đến đâu. Mình không phản đối, nhưng mình lại nghĩ rằng nên có một sự định hướng nhất định, để ít nhất khi bắt đầu làm quen không bị bỡ ngỡ, e dè, và có thể sẽ từ bỏ luôn. Nếu năm ngoái mình không nhận được những sự giúp đỡ cực kỳ nhiệt tình từ các anh chị đi trước, có lẽ mình đã chẳng theo tới cùng, vì sự thiếu động lực, và sự tự ti lớn kinh khủng. Nếu mình định apply du học Mỹ, có biết bao nhiêu kênh thông tin hướng dẫn, hỗ trợ để làm điều đó, vậy tại sao mình lại không thể có được chúng khi apply UWC?

   Mình đã hỏi anh Hiếu và chị Bùi Hoa (scholar của Mahindra UWC India năm 2014) ý kiến về dàn ý các bài luận, và được hai anh chị góp ý sửa chữa đôi chỗ còn hơi tiêu cực và thiếu tính khách quan. Và mình có một anh, gọi là mentor của mình đi, anh ấy đã giúp mình ngay từ những bước ban đầu, kiểu lời khuyên rằng việc đầu tiên là em phải tìm hiểu về trường, rồi trong bài luận này phải nêu được ý này ý này, đều là từ anh ấy cả. Mình viết bài rồi đưa cho anh ấy, anh ấy sửa từ ngữ – rất nhiều từ thú thực lần đầu nhìn thấy luôn, gạch lỗi ngữ pháp sai, rồi comment góp ý nội dung cho mình, rồi mình lại chữa lại, cứ như thế đâu đó bảy lần, trong vòng đúng hai tuần. Kiểu chạy đua với thời gian, múi giờ chênh nhau mười một mười hai tiếng, rồi hai ba ngày cuối anh ấy còn thi cuối kỳ nữa. Thú thực là giờ hình ảnh anh ấy trong mình như kiểu thần tượng luôn, rực rỡ khó xóa nhòa =))

   Anh ấy bảo đại khái rằng, giờ em đã được học bổng rồi thì cần phải giúp những em khóa sau nữa, giúp hết khả năng của em. Và đến giờ anh ấy vẫn rất quan tâm tới UWC, kiểu như trong chương trình Cửa sổ Du học của Chuyên Trần Phú hôm 1/8 vừa rồi, anh ấy ngay từ đầu đã quyết định cho riêng UWC một booth (trong khi Mỹ và Canada bị gộp lại thành một :v) – ý kiến có UWC trong danh sách cũng là của anh luôn.

   Được những con người như thế giúp đỡ, mình thực sự thấy rằng, mình cũng phải làm một điều gì đó.

   Để các em khóa sau không còn quá rụt rè nữa.

   Để không ai vì thiếu định hướng, thấy nó khó và xa vời quá mà bỏ qua cơ hội này nữa.

   Và để nhiều người được biết tới “UWC movement” hơn nữa.

9 thoughts on “2. Application round

  1. Em đọc xong bài của chị mà em đã cảm thấy bớt tự ti hơn rồi. Thú thực là em mới chỉ biết UWC vào đúng hè năm nay và em đã cảm thấy rất thất vọng với bản thân khi mà mình chưa có sự chuẩn bị tốt từ đầu hè. Nhưng sau khi em đọc bài của chị, em đã cảm thấy bớt xấu hổ với bản thân rồi. Em cũng đã xem clip UWC Spirit và thực sự là em đã cảm thấy như mình đang hòa mình vào một thế giới nơi mà ta không trải nghiệm mà là ta đang sống trong thế giới ấy, thế giới của tình thương, của nhân loại, của sự không phân biệt, của sự bình đẳng. UWC như đang thắp sáng ước mơ của em và em đang rất muốn để theo đuổi giấc mơ ấy (dù quỹ thời gian không còn nhiều vì vèo một cái cũng tới tháng 9 đến nơi rồi). Em yêu UWC lắm !

    Like

    • Em cũng muốn viết thành một bài để tiện trả lời ấy :”> Vì năm ngoái em làm cũng ngơ ngác lắm nên em muốn giúp các em ấy nhiều hơn :”>
      Ôi mong được gặp chị quá :((

      Like

  2. Em cám ơn tất cả bài viết của chị rất nhiều!!! Thật ra em mới biết chị ngày hôm qua thôi, hôm nay em rảnh nên dành nguyên buổi chiều đọc hết bài viết của chị, em thấy đỡ lo hơn, tự tin hơn rồi =)) Em chỉ có một mong ước nhỏ nhoi là có thể trao đổi với chị qua email và em còn nhiều câu hỏi pop lên trong đầu quá :))

    Like

  3. Chị ơi em đang hoàn thiện hồ sơ cho năm sau nhưng có nhiều chỗ em không biết phải điền như thế nào cả? chị có thể hướng dẫn giúp em không ạ?

    Like

  4. Em cảm ơn bài viết của chị rất nhiều ạ, dù rằng nó đã được viết gần 5 năm trước nhưng em đọc đi đọc lại vẫn cảm thấy rất truyền cảm hứng. Nhờ bài viết của chị mà em biết mình phải làm gì để chuẩn bị cho mùa apply 2021 này. Chúc chị mạnh khỏe trong thời gian này. Em rất mong có thể trò chuyện với chị trong tương lai ạ!

    Like

Leave a comment